Kinh nghiệm khám phá ẩm thực du lịch Sơn La

Bê chao Mộc Châu

Mộc Châu là nơi của ngõ Tây Bắc với  thảo nguyên xanh rộng lớn, khí hậu cận ôn đới rất thích hợp để nuôi bò lấy sữa. Ở đây, bê cái được giữ lại nuôi lớn để lấy sữa còn bê đực thì được chế biến thành các món ăn thơm ngon, trong đó có món bê chao nức tiếng gần xa.
 

Món bê chao ngon nhất khi được chế biến từ bê sữa khoảng một tuần tuổi, bởi bê non có sẵn cái vị thơm, vị ngon và mềm ngọt hơn bao giờ hết. Bê chao được chế biến khá đơn giản, nhưng hương vị lại thuộc hàng đặc sản. Thịt bê đem cắt thịt thành từng miếng, ướp gia vị rồi chao qua dầu sôi. Bê chín có màu vàng, thịt thơm, mềm và ngọt.

Những quán bê chao Mộc Châu nổi tiếng đó là Nhà hàng Đông Hải, 64 Mộc Châu, Xuân Bắc 181 và 70 Mộc Châu trên Quốc lộ 6.
 

Cá nướng Pa pỉnh tộp

Pa tỉnh tộp là cách mà người Thái gọi món cá nướng gập. Đây là món ăn cổ truyền mang giá trị ẩm thực địa phương cao. Món Pa tỉnh tộp đúng chất Sơn La phải được ướp bởi các gia vị đặc trưng: mắc khén, gừng, xả, húng, ớt tươi, rau thơm, rau mùi, hành tươi…
 

Cá chép, cá trắm hoặc cá trôi khoảng 2-4 lạng được mổ dọc sống lưng để nguyên nội tạng, bỏ mật và nhồi các loại gia vị đã chuẩn bị vào bụng cá rồi gập đôi lại. Sau khi gia vị tẩm ướp ngấm đều, cho cá vào một đoạn tre kẹp chặt và đem nướn trên than hồng. Người nướng cá phải rất khéo léo để cá chín vàng đều, không bị ám khói mà vẫn giữ được hương vị tự nhiên. Miếng cá chín tỏa mùi thơm cay cay của mắc khén vô cùng hấp dẫn.

Nếu bạn muốn thưởng thức này thì tốt nhất nên tìm tới các bản làng của người Thái
– Mộc Châu: Tại xã Tân Lập có thể tìm đến Homestay bản Dọi, Homestay bản Hoa, Nhà sàn Mộc Sương; tại xã Đông Sang có thể ăn tại các  homestay Bình Nguyên, Homestay Chung Hà, HTX Du lịch bản Áng, Homestay Mộc Châu Mộc

– Thành phố Sơn La: các nhà hàng Sơn Khè và nhà sàn ở suối nước nóng bản Mòng.
 

Thịt trâu gác bếp Sơn La

Khi nhắc đến ẩm thực Sơn La thì không thể nào bỏ qua món thịt trâu gác bếp. Thường vào dịp Tết hay lễ cúng lớn, các gia đình đồng bào Thái mổ trâu ăn mừng và để lại một ít để làm món thịt trâu gác bếp dự trữ. Món ăn này hấp dẫn bởi hương vị đặc biệt, vị ngọt của thịt, có vị cay của ớt của tỏi, có vị tê tê nơi đầu lưỡi của hạt mắc khén và nhất là mùi ngai ngái của khói bếp.
 

Thịt trâu gác bếp sơ chế không quá cầu kỳ. Thịt trâu lọc bỏ gân, thái miếng dài rồi đem ướp gia vị. Gia vị được ướp gồm muối, đường, ớt, sả, tỏi, gừng, mắc khén… Sau đó, dùng que xiên thịt rồi đem hun bằng khói của than củi được đốt từ các loại cây mọc trên núi đá. Khi thịt đã thành phẩm, mùi khói vẫn còn thoang thoảng trong từng thớ thịt. Chính mùi khói ấy đã tạo nên sức hấp dẫn riêng của món thịt trâu gác bếp này.

Nếu muốn thịt trâu gác bếp đúng hương vị của người Thái Tây Bắc về làm quà thì bạn có thể ghé Mộc Châu Food, giá bán là 400k/ nửa kg.
Mua thịt trâu gác bếp tại Sơn La, có thể tìm các cửa hàng Hải Xanh

 

Cơm lam Sơn La

Cơm lam là món ăn được rất nhiều người yêu thích, vừa thơm vừa bùi, lại no lâu nữa. Cơm lam Sơn La thường được chế biến từ gạo nương, gạo cẩm hoặc nếp cái hoa vàng. Khi chế biến, người ta cho thêm một chút muối, gừng được ngâm ủ qua đêm vào gạo, đãi sạch rồi đổ vào ống tre, thêm chút nước và nút lại bằng lá chuối, cho lên bếp lửa đốt.
 

Khi thưởng thức, chỉ cần nhẹ nhàng tách từng phần ống tre ra để lấy phần cơm trắng nõn bên trong. Mùi thơm của gạo nếp nương mới hòa quyện cùng hương vị của tre, của khói bếp khiến cho món ăn này mang đậm hương vị của núi rừng.

Những nhà hàng phục vụ món cơm lam ngon mà bạn có thể tham khảo là: Nhà hàng 64, nhà hàng Thảo Nguyên, nhà hàng Lộc Rừng, nhà hàng Phương Nga.
 

Sữa bò Mộc Châu

Đến tham quan trang trại bò sữa Mộc Châu thì bạn đừng bỏ qua cơ hội trải nghiệm làm người nông dân cho bò ăn, vắt sữa, đun sữa và thưởng thức ly sữa nóng do chính tay bạn vắt nhé. Đây chắc hẳn sẽ là một kỷ niệm đẹp không thể nào quên với vùng đất Mộc Châu Sơn La này.
 

Canh mọ của người Khơ Mú

Canh mọ là một món ăn thường thấy trên mâm cỗ ngày Tết Mạz Chiêng truyền thống của người Khơ Mú. Món canh này chế biến từ 3 loại thịt chim, chuột, sóc. Phần thịt được đem sấy khô băm nhỏ và trộn với hoa chuối, rau thơm, ớt, mắc khén, tấm gạo nếp. Sau đó đem đổ hết vào một ống tre, bương bánh tẻ, đổ thêm nước vào rồi đem đốt như đốt cơm lam. Khi canh sôi thì lấy que tre vót nhọn sọc liên tục đến khi nhuyễn. Canh mọ có độ sền sệt, sánh nên dùng xôi nếp nắm chấm quệt ăn rất thơm ngon.
 

Nậm pịa của người Thái

Lên Tây Bắc nhất định phải thử qua món thắng cố của người Mông và món nậm pịa của người Thái. Món Nậm Pịa được chế biến từ ruột non của con trâu, bò, dê. Người ta dùng vải bông sạch lộc lấy phần nước được tuốt ra từ phần ruột bên trong. Sau đó đập xả, gừng, ớt, mắc khén, lá chanh… băm thêm một ít thịt bạc nhạc, thái thêm ít tiết tươi, cuống tim, dạ dày, đuôi… cho vào nồi đun sôi khoảng 5 phút tạo thành một hỗ hợp sền sệt.
 

Bạn nào mới ăn món này sẽ thấy vị đăng đắng nơi cổ họng, rất khó ăn. Nhưng ăn vài lần lại đâm ra “nghiện”, sẽ chẳng thể nào quên được cái dư vị đặc trưng của nó với hậu vị ngòn ngọt và mùi thơm thơm của mắc khén.
 

Bánh Dày người Mông ở Hồng Ngài

Bánh dày người Mông ở Hồng Ngài quả thực là món ăn rất nên thử khi có cơ hội. Một món ăn thể hiện bản chất cần cù của con người nơi đây qua cách chế biến rất cầu kỳ. Nếp mới sau khi được đồ chín sẽ được đổ vào chiếc cối to làm bằng nửa thân cây gỗ để giã. Phần xôi nếp trong cối quện quánh, tan vào nhau theo từng nhịp chày. Sau đó sẽ được vắt thành từng bánh tròn.
 

6 cặp bánh đầu tiên được gói rất đẹp để dâng lên trời đất và các vị thần của bản cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Khi ăn, bánh sẽ được nướng lại trên than củi nên rất dẻo và ngọt thơm mùi nếp mới, quện với mùi hương của gỗ rất quyến rũ.
 

Cốm nếp Mường Tấc

Đến Mường Tấc thì chắc hẳn bạn sẽ không thể quên được hương vị cốm nếp dẻo thơm, căng ngậy đầy mê hoặc. Món ăn đặc trưng của mảnh đất của vựa lúa lớn thứ tư vùng Tây Bắc đã làm biết bao du khách phải lòng ngay từ lần đầu thưởng thức.

Công đoạn để cho ra thành phẩm là những hạt gạo màu xanh lơ, thơm đặc trưng quả thực không đơn giản. Lúa nếp vừa khum ngọn sẽ được gặt đem về tuốt. Phần thóc thu được cho vào nồi đồ đều tay trên bếp lửa hồng rực, đợi phả ra hương thơm thì đổ ra và đem hong nắng. Thóc hong đủ nắng sẽ được mang đi giã và sàng đãi vỏ, thế là ăn được. Cốm nếp thường được gói lá chuối để giữ hương vị thơm ngon và lâu hơn.
 

Điểm danh 10 nhà hàng ngon tại Sơn La

1/ Nhà hàng sinh thái Duy Khánh
Địa chỉ: Tổ 4 phường Chiềng Sinh, TP Sơn La, tỉnh Sơn La. 
Hotline: 0865159699 – 0824049898 – 0976886789

2/ Nhà hàng Đông Hải Mộc Châu
Địa chỉ: 210 đường Trần Huy Liệu, TT. Mộc Châu, Mộc Châu, Sơn La (cách động Sơn Mộc Hương 500m)
Hotline: 0336 828 666

3/ Quán 64 Mộc Châu
Địa chỉ: Tiểu Khu Chiềng Đi, Thị Trấn Nông Trường Mộc Châu, Mộc Châu, Sơn La
Hotline: 096 981 16 66

4/ Nhà Hàng 559 Sơn La
Địa chỉ: Ngõ 05 Phố Giảng Lắc, P. Quyết Thắng, Tp. Sơn La, Sơn La
Hotline: 0212 3856 711

5/ Nhà hàng Sơn Lẩu
Địa chỉ: 38 Lò Văn Giá – P. Chiềng Lề, Tp. Sơn La, Sơn La
Hotline: 0212 3851 388

6/ Xuân Bắc 181
Địa chỉ: QL6, Phiêng Luông, Mộc Châu, Sơn La
Hotline: 0366 083 486 – 0962 333 068

7/ Nhà hàng Dũng Tươi
Địa chỉ: Tiểu khu 32 – Thị trấn Nông trường Mộc Châu
Hotline: 0223.869.159 – 0968.090.002  – 0915.805. 875

8/ Nhà Hàng 75 – Trâu Tây Bắc
Địa chỉ: Tô Hiệu, Đông Sang, Mộc Châu, Sơn La
Hotline: 0915 869 227 – 0979 740 338

9/ Quán 70 Nam Hưng
Địa chỉ: QL6, Phiêng Luông, Mộc Châu, Sơn La
Hotline: 0914.368.004 – 091 206 5051

10/ Nhà hàng Mộc Châu Xanh
Địa chỉ: Ngã tư tiểu khu Bó Bun – Thị Trấn Nông Trường Mộc Châu
Hotline: 0978 999 055