Sáo Mông – Âm vang trên cao nguyên Mộc Châu

Dân tộc Mông là một trong sáu dân tộc thiểu số đông dân nhất Việt Nam với hơn 1 triệu người. Người Mông cư trú chủ yếu ở các vùng núi có độ cao từ 800 đến 1500m so với mực nước biển, tập trung ở các tỉnh miền núi phía Bắc như: Hà Giang, Sơn La, Lào Cai, Lai Châu… 
 
Là dân tộc có nhiều nét văn hóa truyền thống đặc trưng được giữ gìn từ đời này qua đời khác, người Mông đã góp phần không nhỏ tạo nên sự đa sắc màu cho văn hóa Việt Nam. Người Mông có rất nhiều nhạc cụ dân tộc độc đáo như khèn Mông, đàn môi, sáo Mông, trong đó sáo Mông nổi tiếng hơn cả. 

Ảnh: Thành Đại

Sáo Mông được sử dụng thường xuyên trong đời sống sinh hoạt của người Mông. Các chàng trai dân tộc Mông nghe tiếng sáo khi còn trong bụng mẹ, sinh ra, lớn lên cùng tiếng sáo, học thổi sáo từ khi còn nhỏ. Cây sáo Mông như người bạn đường khi lên nương rẫy xua tan mệt nhọc trong lao động, được họ mang theo trong những phiên chợ tình và quan trọng hơn hết là phương tiện giao duyên, trao đổi tâm tình giữa các chàng trai với các cô gái Mông.
 
Đối với mảnh đất cao nguyên Mộc Châu tươi đẹp tiếng sáo Mông là một trong những âm thanh quyến rũ nhất, tiếng sáo mang màu sắc rất đặc trưng độc đáo. Trong tiếng sáo có chất chứa những tâm tình đằm thắm, là thứ âm thanh lảnh lót mà trong trẻo âm vang gợi lên vẻ tươi đẹp, bao la bạt ngàn của cao nguyên, cũng như nét giản dị, đôn hậu trong tâm hồn của bà con người Mông. 

Ảnh: Internet

Tiếng sáo không lời nhưng như lời tâm sự thủ thỉ, chứa chan tâm tình, thấm sâu vào lòng người, say đắm gọi người thương trong những đêm trăng sáng trên những triền núi cao, tiếng sáo vắt vẻo lưng chừng núi. Tiếng sáo của các chàng trai người Mông đặc biệt là thế nên luôn chiếm được tình cảm của các cô gái họ thương. Nhờ tiếng sáo Mông, rất nhiều chàng trai cô gái người Mông đã nên duyên chồng vợ.
 
  Tiếng sáo Mông đã xuất hiện rất nhiều trong các tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng của Việt Nam. Tiếng sáo trong đêm tình mùa xuân trong tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài đã đánh thức khát vọng sống, khát vọng yêu thương mãnh liệu trong lòng Mỵ vốn đã bị tắt lịm từ lâu. Tiếng sáo Mông trong bộ phim kinh điển “Chuyện của Pao” là mối dây gắn kết chuyện tình đẹp giữa chàng trai cô gái người Mông là Pao và A Chử.

   Tiếng sáo Mông với âm thanh theo lời ca của các bài dân ca Mông giãi bày tâm tình của các chàng trai, chất chứa cảm xúc. Tiếng sáo Mông ngân nga những bản nhạc mang hơi thở của núi rừng Tây Bắc như “Xuân về trên bản Mông”, “Tình ca Tây Bắc”, “Gọi em bên suối” dìu dặt, da diết khiến người nghe dù ở đồng bằng hay miền núi, ở nông thôn hay thành thị đều ngỡ như mình đang đứng giữa núi rừng bao la trùng điệp của miền sơn cước. 

Tráng A Chu nghệ nhân thể hiện sao Mông nổi tiếng tại bản Hua Tạt, Vân Hồ – Mộc Châu. Ảnh: Homestay A Chu

 
   Nếu có dịp lên Mộc Châu – Sơn La… Ghé thăm cao nguyên Mộc Châu. Bạn hãy thử một lần trải nghiệm thứ âm thanh đặc trưng của núi rừng này từ chính các chàng trai người Mông nhé, chắc chắn đó sẽ là một trải nghiệm thú vị, một kỷ niệm đáng nhớ trong chuyến đi của bạn.